Câu truyện về mứt Tết và Ý nghĩa các loại mứt

Tết đến xuân về, bên cạnh bánh chưng xanh, mâm ngũ quả, dưa hành thì mứt cũng là một món ăn không thể thiếu được. Hãy cùng nhau tìm hiểu về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của khay mứt trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam ta.

Món mứt trong ngày Tết cổ truyền

Mứt là một món ăn tinh thần không thể thiếu được trong ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam. Dù đã trải qua bao nhiêu năm, vị ngọt thơm của mứt Tết vẫn luôn in đậm trong tâm thức của mỗi người Việt như là một món quà tinh túy của ông bà xưa để lại.

Vậy mứt là gì? Mứt là một món ăn ngọt, được chế biến từ các loại trái cây và một số loại củ, quả được nấu với đường đến độ khô từ 65% – 70%. Nguyên liệu đường trong mứt rất cần thiết và cần đạt nồng độ khoảng 55% – 60%. Đường không chỉ đóng vai trò làm ngọt mà còn có tác dụng bảo quản và tăng độ đông cho mứt.

Các loại trái cây, củ, quả được dùng để làm mứt rất đa dạng và phong phú từ dâu tây, dừa, khoai lang, táo đến hạt sen, mỗi loại mứt sẽ có một màu sắc và hương vị đặc trưng tùy theo nguyên liệu dùng để chế biến thành. Mứt quả được chế biến ở nhiều dạng, có thể phân thành các dạng: mứt đông, mứt nhuyễn, mứt miếng đông, mứt rim, mứt khô.

Trong những năm trước đây, cứ mỗi dịp Tết về, người người nhà nhà lại quây quần cùng nhau, riu riu lửa hồng, tự tay nấu đường làm mứt, để chuẩn bị cho những ngày đầu năm, mọi người mời nhau những vị ngọt mà chính bản thân gửi gắm vào đó thay cho lời chúc tốt lành nhất.

Ngày nay, việc chuẩn bị mứt tết đã tiện lợi hơn đáp ứng cho cuộc sống ngày một hối hả. Mọi người không còn tự mình chuẩn bị mứt Tết nữa thay vào đó là mua chúng ở ngoài chợ, siêu thị hay các cở sở làm mứt truyền thống nổi tiếng.

Một khay mứt Tết truyền thống luôn có hình tròn, chia làm 8 ô với đầy đủ các loại mứt như mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt lạc, mứt quất, mứt sen, mứt me, mứt mãng cầu… tương ứng với vị chua, cay, ngọt, bùi như chính hương vị của cuộc sống cũng như thể hiện sự hòa quyện của bốn mùa trong năm.

Ý nghĩa của các loại mứt Tết cổ truyền

Mứt hạt sen “Gia đình sum họp, con cháu đầy nhà”

“Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” Đây là loại mứt cao sang bậc nhất được thể hiện từ tinh thần cho đến hương vị nên khó có loại mứt nào bì được với mứt sen trần. Những hạt sen phơi khô, bảo quản chăm chút từ khi còn tươi ngon vụ hè, gần cuối năm mới đem ra ngào đường, làm mứt. Những viên mứt nhỏ tròn, màu hanh vàng, bọc trong lớp vỏ lấm tấm đường, mang vị ngọt ngào mà tinh tế. Không ai có thể ăn nhiều mứt sen một lúc, bởi thật ra mứt có vị ngọt rất sắc. Nhưng đôi lúc nhẩn nha một vài viên, nhấp một ngụm trà thơm, vị ngọt, vị chát cùng hơi nóng ấm quyện hòa lại tạo cảm giác thư thái thú vị, khiến câu chuyện đầu xuân thêm vui vẻ, rộn ràng.

Không chỉ mang hương vị độc đáo, bổ dưỡng mà mứt hạt sen còn có ý nghĩa tượng trưng cho một năm mới sum họp, con cháu đầy nhà. Để làm ra một đĩa mứt hạt sen chất lượng và đạt yêu cầu thì mất khá nhiều thời gian và rất cầu kỳ từ việc lựa chọn, sơ chế và chế biến.

Mứt dừa “Gia đình quây quần, sum vầy, hạnh phúc”

Mứt dừa từ lâu đã được các gia đình lựa chọn trong ngày Tết nguyên đán, là một món cổ truyền không thể thiếu trong khay mứt ngày Tết.

Mứt dừa dễ làm, lại thơm và dễ ăn nên thường được các bà, các mẹ lựa chọn để tự tay thực hiện. Mứt được làm từ cơm dừa bào mỏng cùng đường cát trắng, thành phẩm có vị ngọt thơm tự nhiên, vị ngậy béo đặc trưng của cùi dừa. Tùy theo sở thích mà khi chế biến, mứt dừa được thêm màu sắc bắt mắt cũng từ những nguyên liệu thiên nhiên như lá dứa, cà rốt, nước nghệ…Công đoạn tuy giản đơn nhưng để làm ra món mứt ngon cũng là bao thời gian, tâm huyết, tình cảm của người phụ nữ trong gia đình.

Mỗi độ xuân về, gia đình quây quần hàn huyên bên tách trà nóng, cùng nhâm nhi những sợi mứt dừa dai dai, vui miệng, nhiều màu sắc, tất cả đã tạo nên không khí đoàn viên. Mứt dừa không những thơm ngon, ngọt bùi mà còn mang ý nghĩa quây quần, sum vầy, hạnh phúc cho cả gia đình và bạn bè trong năm mới.

Hạt dưa – sắc màu đỏ tượng trưng cho sự “may mắn, phát lộc”

Tiếng cắn hạt dưa lách tách là âm thanh quen thuộc ngày Tết trong mỗi gia đình, góp phần làm câu chuyện ngày Tết thêm rôm rả, sôi động hơn. Hạt dưa luôn là món ăn quen thuộc nằm trong khay mứt Tết cổ truyền với màu đỏ đặc trưng thể hiện mong muốn may mắn và tài lộc sẽ đến với gia đình.

Hạt dưa còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, giúp tăng cường trí nhớ và tốt cho bộ não.

Mứt gừng mang ý nghĩa “Cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc, mạnh khỏe”

Trong thời tiết se lạnh của những ngày đầu xuân, ngồi nhâm nhi một lát mứt gừng cay cùng tách trà nóng thì quả thật là thi vị, hạnh phúc.

Là một món không thể thiếu trong khay mứt ngày Tết, mứt gừng mang ý nghĩa cầu mong cho một năm mới ấm áp và hạnh phúc cho mọi gia đình.

Một chút ngòn ngọt phủ quanh vị cay cay nồng ấm của gừng mang lại cảm giác thích thú cho người thưởng thức. Bên cạnh đó, mứt gừng còn có tác dụng giải độc, làm ấm người và kích thích tiêu hóa cho những ngày Tết ăn uống không điều độ.

Mứt quất tượng trưng cho “May mắn, an lành và thịnh vượng”

Ra trái và chín vào đúng dịp Tết nguyên đán, quất như là “trái ngọt” đầu năm của mọi nhà với mong muốn một năm bội thu. Cũng như quất cây, ý nghĩa của mứt quất tượng trưng cho may mắn và thịnh vượng trong năm mới.

Mứt quất có vị vừa ngòn ngọt của đường, vừa chua chua của múi quất, giòn giòn thơm thơm của vỏ quất . Những mùi vị này tạo cho người dùng cảm giác thanh mát lẫn nồng ấm rất thích hợp để dùng vào dịp Tết, khi tiết trời se se lạnh.

Mứt quất có công dụng kích thích tiêu hóa, giúp người dùng bớt đi cảm giác ngán ăn do lượng thức ăn tấp nập ngày Tết. Ngoài ra, mứt quất cũng chữa ho rất hiệu quả.

Mứt bí “Cầu mong sức khỏe tốt, mang đến sự phát triển”

Quả Bí có lẽ chẳng còn xa lạ với chúng ta, ta thấy bí ở nhân bánh như bánh trung thu, bánh pía thơm ngon và cả Mứt Tết cổ truyền. Bí có tính mát, nhiệt lượng thấp, nhiều khoáng chất, là thực phẩm tốt cho da, tóc, người muốn giảm cân. Với những khoáng chất bổ dưỡng có trong bí khiến mứt bí trở thành biểu tượng cho sự phát triển, sức khỏe tốt.

Sau lớp ngoài giòn ngọt trắng tinh, bên trong là lớp dẻo thanh mát thơm mùi bí đao. Ngoài mùi vị thơm ngon và mang nhiều ý nghĩa may mắn trong năm mới, mứt bí còn có công dụng như bài thuốc giải khát, lợi tiểu, tiêu độc cho những cuộc vui tới bến ngày Tết.

Khay mứt ngày tết của ba miền Việt Nam từ xưa đến nay có gì khác biệt?

Những viên kẹo nhiều màu sắc, hạt dưa, hạt dẻ, mứt gừng và các loại mứt khác từ lâu đã không thể thiếu trong những chiếc khay, ô kẹo bánh mời khách ngày Tết. Đặc trưng vùng miền mà mỗi nơi lại bày ra những khay kẹo mứt với vô vàn các món khác nhau. Vậy khay kẹo mứt ngày tết của ba miền từ xưa đến nay có gì khác biệt?

Ông bà kể lại rằng, ngày xưa lúc Việt Nam chưa hội nhập và phát triển như bây giờ, những món kẹo, mứt, các loại hạt khô đều được làm thủ công và cao cấp hơn là một số loại kẹo được sản xuất trong nước. Nhà nào có điều kiện thì bày biện nhiều hơn một chút, cao cấp hơn một chút, còn lại đều theo lối truyền thống từng vùng miền.

Người ta còn quan niệm rằng khay bánh mứt trong ngày Tết với đủ thành phần như bánh, kẹo, củ quả khổ, mứt, cho đến các loại hạt,… là biểu tượng mang lại sự may mắn, sự hòa hợp, sum vầy cho năm mới. Như vậy khay bánh kẹo mứt này không chỉ đẹp mắt mà theo phong thủy là cho năm mới thêm may mắn phát tài.

miền Bắc, nơi mà văn hóa ẩm thực vô cùng đa dạng, vào dịp lễ Tết thì ngoài mâm ngũ quả, mẫm cỗ thì khay mứt bánh kẹo cũng được chăm chút vô cùng tỉ mỉ. Ngày trước, các cụ thường thưởng thức các món như hạt dẻ, hạt bí rang thơm nức, bánh Sampa dài hình chữ nhật được phủ đường, mứt gừng cay nồng ấm uống cùng thứ nước trà Thái Nguyên thanh tao, một số nhà còn có cả kẹo Hải Hà là sang nhất hồi ấy.

Riêng miền Trung lại nổi tiếng với món bánh Thuẫn, loại bánh được làm từ bột và trứng gà. Cứ cận Tết là nhà nhà đổ bánh thơm nức cả khu xóm, đến tận bây giờ món bánh này vẫn được những người con xa xứ yêu thích và không thể thiếu trong khay bánh kẹo ngày Tết. Chưa hết, còn có bánh xoài, kẹo me dẻo và cả hạt dưa nữa.

Miền Nam nổi tiếng là xứ Dừa, vì vậy trong khay kẹo bánh mứt ngày Tết đãi khách không thể thiếu món mứt dừa thơm dẻo, ngọt dịu với nhiều màu sắc khác nhau. Vùng đất miền Nam được thiên nhiên ưu đãi nên các loại cây trái rất phong phú, thế nên đặc sản mời khách ngày Tết ở đây đa số là mứt mãng cầu xiêm, kẹo chuối, kẹo dứa,…

Ở thời điểm ông bà mình, cho dù ba miền có nhiều khác biệt nhưng có 4 loại mứt không thể thiếu trong ngày Tết đó là mứt gừng, mứt bí, mứt khoai và mứt cà rốt.

Cho đến ngày nay, trong quá trình hội nhập và phát triển, những món kẹo lạ đủ hương vị và mới mẻ hơn, những loại bánh loại mứt được làm cao cấp hơn, nhưng tôi tin những thứ đặc sản từng vùng miền vẫn còn được giữ lại trong những khay kẹo mứt bánh ngày Tết truyền thống, đặc biệt là những nhà ở vùng nông thôn. Đó là lí do những đứa trẻ những người con xa quê tìm về với giá trị truyền thống, thưởng thức vị bánh dân dã, món mứt thủ công nhưng đậm tình quê hương.

Có lẽ, chỉ mỗi dịp Tết đến xuân về thì khay kẹo mứt bánh lại trở nên ngọt ngào và ý nghĩa đến vậy. Trước là để đãi khách đến chơi, sau là để cả nhà quay quần bên nhau thưởng thức. Những đứa trẻ mắt cứ long lanh và sáng lên chờ ngày đi chơi Tết. Tôi tin rằng những đứa trẻ ngày nào vẫn còn giữ trong tim mình những kỉ niệm ngọt ngào, ấm cúng về những điều giản dị như thế.

Sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *